Phim Nhà nước đặt hàng: “Gỡ khó” con đường ra rạp
VHO - Nhiều bộ phim Nhà nước đặt hàng như Bình minh đỏ; Phơi sáng; Đào, Phở và Piano; Hồng Hà nữ sĩ… dù được giới chuyên môn ghi nhận, tạo hiệu ứng tốt nhưng vẫn gợi không ít băn khoăn khi mới chỉ được trình chiếu trong các dịp kỷ niệm, các kỳ liên hoan hoặc đưa về địa phương chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong khi mục tiêu ra rạp cạnh tranh thì chưa thể.
Làm sao để phim Nhà nước đặt hàng chiếm trọn tình cảm của khán giả khi công chiếu ở rạp đã, đang là vấn đề cần được quan tâm từ nhiều phía. Trong ảnh: Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tác phẩm hợp tác công - tư mang lại doanh thu lớn Ảnh: INTERNET
Những lấn cấn về con đường đưa tác phẩm Nhà nước đặt hàng đến với khán giả vẫn còn đó, thì câu hỏi “liệu phim có thể tạo nên cơn sốt, trở thành bom tấn phòng vé, có doanh thu cao được hay không?”, thực sự là rất khó để trả lời.
Tư duy đổi mới, cởi mở
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh, đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước là hoạt động thường xuyên, quan trọng trong lĩnh vực điện ảnh nhiều năm qua. Quy định chính sách Nhà nước về phát triển điện ảnh tại Luật Điện ảnh năm 2022 nêu rõ: Nhà nước đầu tư, hỗ trợ sản xuất phim thực hiện theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam…
Điều 14 về “Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước” quy định, việc sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Chủ đầu tư dự án là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim; thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL…
Nhấn mạnh một số nội dung đặt ra trong quá trình triển khai Thông tư số 19/2022/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản phim sử dụng ngân sách nhà nước, tại Hội nghị triển khai, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh 2022 mới đây, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Điện ảnh về trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ VHTTDL có trách nhiệm xây dựng và ban hành hai Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của hai Hội đồng liên quan đến việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.
Hồng Hà nữ sĩ, phim Nhà nước đặt hàng năm 2023
Hội đồng có số lượng thành viên từ 5 trở lên và là số lẻ. Thành phần của Hội đồng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên; là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, biên kịch, đạo diễn, người có chuyên môn về từng loại hình (phim truyện, phim hoạt hình, phim tài liệu - khoa học). Trên cơ sở thực tế, chủ đầu tư thành lập các Hội đồng thẩm định kịch bản phim truyện; Hội đồng thẩm định kịch bản phim tài liệu - phim khoa học; Hội đồng thẩm định kịch bản phim hoạt hình.
Về tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp loại kịch bản, Phó Cục trưởng Lý Phương Dung cho biết, theo Thông tư 19, thành viên Hội đồng sẽ nhận xét, đánh giá từng kịch bản, ghi vào phiếu thẩm định, chấm điểm theo thang điểm 10, khoảng cách chấm giữa các điểm là 0,5. Kịch bản xuất sắc đạt từ 9 - 10 điểm; kịch bản tốt từ 7,5 - 8,5 điểm; kịch bản khá từ 6 - 7 điểm; kịch bản trung bình từ 5,5 điểm trở xuống. Điều kiện kịch bản được lựa chọn để sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải là kịch bản được xếp loại từ bậc II (tốt) trở lên.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, thời gian qua, việc đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước đã có nhiều thay đổi, cởi mở về tư duy nhằm nâng cao chất lượng, đưa đến công chúng những bộ phim vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng thị hiếu, hấp dẫn và cuốn hút người xem. “Tư duy về cấp phép, phân loại phim đã thể hiện tinh thần đổi mới, cởi mở trong Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Ngoại trừ những điều cấm được quy định tại Điều 9 trong Luật Điện ảnh, đặc biệt quán triệt hai nguyên tắc bất di bất dịch về “bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước” và “bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, các nội dung khác sẽ phân loại theo độ tuổi khán giả. Tư duy cởi mở này cho thấy sự thông thoáng của Hội đồng. Các phim gửi đến duyệt được nhìn nhận, đánh giá cởi mở hơn, từ đó tạo hứng khởi sáng tác trong giới điện ảnh”, Cục trưởng Vi Kiến Thành bày tỏ.
Để phim Nhà nước rộng đường ra rạp
Cũng theo ông Vi Kiến Thành, năm 2023 có thể nói là năm ngành điện ảnh tạo được nhiều dấu ấn. Sản xuất 40 phim truyện, doanh thu 1.700 tỉ, nhiều tên phim “gây sốt” phòng vé là những minh chứng cho thấy sự phục hồi đầy ấn tượng sau 3 năm ngành điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh những quy định thúc đẩy từ Luật Điện ảnh 2022 cũng như tinh thần cởi mở, đổi mới đối với việc đặt hàng sản xuất phim Nhà nước, để có nhiều tác phẩm phim đặt hàng chất lượng, được sản xuất từ hình thức hợp tác công - tư, thì điện ảnh Việt Nam đang gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách. “Hiện nay Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất được 3 phim truyện/năm. Trong số 40 phim truyện sản xuất năm 2023, chỉ có 3 phim Nhà nước đặt hàng, còn lại 37 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất. Tuy nhiên, phim Nhà nước đặt hàng đang được xếp là dịch vụ công thiết yếu, sử dụng 100% kinh phí nhà nước. Quy định này gây khó cho việc sản xuất các dự án phim truyện kết hợp công - tư”, Cục trưởng cho biết. Cũng theo ông Thành, bất cập này khiến một số kịch bản phim, dù được Cục Điện ảnh đánh giá cao và mong muốn đầu tư sản xuất, nhưng không áp dụng được phương pháp kết hợp, do vậy không thể triển khai.
Đào, Phở và Piano, dù giành Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam XXIII nhưng vẫn khó khăn khi tiếp cận khán giả
Dư luận nhiều năm qua còn đề cập đến thực tế, những phim sản xuất từ kinh phí Nhà nước khá chênh vênh về đầu ra, lặng lẽ sau những suất chiếu ra mắt. Từ sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh gặt hái nhiều thành công, điện ảnh Việt chưa có được tác phẩm phim sản xuất từ nguồn kinh phí công - tư hoặc sử dụng ngân sách nhà nước được phát hành rộng rãi, đạt doanh thu cao từ các rạp chiếu. “Đưa phim ra rạp vì vậy cũng đang là vấn đề của phim Nhà nước đặt hàng, bởi hiện chỉ có kinh phí để sản xuất phim, chứ không có kinh phí để phát hành, phổ biến”, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết.
Thực trạng này đã được nhìn nhận, và mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Cục Điện ảnh, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tài chính để tìm cách tháo gỡ. Ông Vi Kiến Thành thông tin: “Cục Điện ảnh đã xây dựng một đề án thí điểm, dự kiến sẽ thực hiện trong hai năm 2024-2025. Nếu được phê duyệt, sẽ cố gắng triển khai ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, sẽ giao Trung tâm Chiếu phim quốc gia tổ chức phát hành, phổ biến, doanh thu nộp 100% cho Nhà nước. Đề án thực thi sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn do không có kinh phí phát hành cho phim sử dụng ngân sách nhà nước”.
Cục trưởng Cục Điện ảnh nói thêm, lâu nay, Cục vẫn đưa các tác phẩm phim đặt hàng vào chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm trong và ngoài nước; hoặc gửi về các tỉnh, thành để phát hành, phổ biến. Tuy nhiên, việc phát hành, phổ biến tại hệ thống rạp chiếu nhằm phục vụ đông đảo khán giả, tạo doanh thu đóng góp cho công nghiệp điện ảnh thì… vẫn đang là khoảng trống.
Thời gian qua, việc đặt hàng sản xuất phim từ ngân sách nhà nước đã có nhiều thay đổi, cởi mở về tư duy nhằm nâng cao chất lượng, đưa đến công chúng những bộ phim vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng thị hiếu, hấp dẫn và cuốn hút người xem… Tư duy về cấp phép, phân loại phim đã thể hiện tinh thần đổi mới, thông thoáng của Hội đồng thẩm định và phân loại phim. Ngoại trừ những điều cấm được quy định tại Điều 9 trong Luật Điện ảnh, đặc biệt quán triệt hai nguyên tắc bất di bất dịch về “bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước” và “bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia”, các nội dung khác sẽ được phân loại theo độ tuổi khán giả. Các phim gửi đến duyệt được nhìn nhận, đánh giá cởi mở hơn, từ đó tạo hứng khởi sáng tác trong giới điện ảnh. (Cục trưởng Cục Điện ảnh VI KIẾN THÀNH) |
BẢO ANH